Nấm Việt Long Hải

Cách tưới nước nấm bào ngư: quyết định 90% chất lượng và năng xuất

Cách tưới nước nấm bào ngư: quyết định 90% chất lượng và năng xuất

I. Các vấn đề thường gặp

Mọi người đừng hấp tấp cứ đọc từ từ xem có đúng những trường hợp mình đã gặp phải chưa nhé, ở bài viết về kỹ thuật trồng nấm bào ngư (nếu quan tâm hãy nhấp vào dòng chữ màu hồng để xem sau khi đọc xong hết bài viết này) Tú viết cũng tương đối kỹ nhưng có lẽ do hơi dài nên đôi khi mọi người lại bỏ sót không đọc hoặc không nhớ hết.

Ở bài viết này Tú sẽ viết lại kỹ hơn về khâu tưới nước, nhìn thì rất đơn gian nhưng không phải ai cũng làm được, không phải vì khó thực hiện mà do nhiều người mới trồng nấm làm theo cảm tính nhiều hơn là kỹ thuật.

Câu hỏi: Tôi đã trồng nấm được 1 lần nhưng sao lần này trồng không giống với lần trước

Trả lời: Những lần trồng nấm không thể giống nhau hoàn toàn 100% được, chỉ tương đối 80 – 90% còn phải phụ thuộc vào thời tiết môi trường phôi giống… Trồng 1 lần chưa phải là nhiều, đôi khi phải 3 – 4 lần mới có được kinh nghiệm.

Câu hỏi: Tại sao lần trước tôi làm như thế này ra nấm sao lần này lại không ra

Trả lời: Có thể do anh/chị may mắn gặp thời tiết tốt, phôi giống lần đó quá mạnh… nên nấm có thể tự ra mà không cần chăm đúng.

Câu hỏi: Tôi đã trồng thử qua với số lượng vài trăm bịch thử nghiệm nhưng tại sao khi tôi trồng với số lượng 10000 bịch lại khác với thử nghiệm

Trả lời: Môi trường thử nghiệm ở mức độ vài trăm bịch sẽ khác với vài nghìn bịch, anh/chị có thể chăm sóc dễ dàng vì số lượng quá ít, còn khi làm nhiều thì phải đúng theo kỹ thuật nên sẽ có một vài yếu tố thay đổi nên sẽ khiến anh chị bất ngờ trong quá trình nuôi trồng.

Trên đây là 3 câu hỏi chung mà mình trích ra từ rất nhiều người đã hỏi và Tú sẽ tiếp tục đưa ra những cái sai mà nhiều người mới trồng gần như gặp phải

1. Tưới nền sai cách

Nói về dàn trại, mọi người sẽ thiết kế sao cho thuận tiện nhất cho việc tưới nước mà theo Tú thấy gần như sẽ dùng vòi phun sương từ trên trần để tưới nấm bao gồm tưới nền, hoặc dùng bét phun (hay dùng để tưới cỏ) dùng để tưới nền và tưới luôn nấm. Làm như vậy tương đối tiện nhưng lại là nguyên nhân gây hư bịch, giảm năng xuất nếu làm không đúng và làm nhiều người bối rối nên cứ bảo do bịch không tốt.

Ngay từ lúc lấy bịch về treo mọi người đã dùng phương pháp này để tưới dẫn đến bịch nấm (thời điểm này chưa đóng nắp rút bông) sẽ hút nước ngược vào trong do nước thấm vào bông, nếu bông không ướt nhưng độ ẩm cao cũng làm nước đọng lại trong bịch do bông hút ẩm.

bịch nấm bào ngư bị đọng nước vàng

Rất nhiều bịch bị đọng nước vàng

Khắc phục

Bịch bị nước vàng quá nhiều nên dùng một cái kim chích một lỗ nhỏ để nước thoát ra ngoài hoặc dùng ống tiêm hút nước vàng này đi, còn một cách khác là phải bung nắp 2 – 3 ngày cho nước bay hơi, và tuyệt đối chỉ tưới nền không tưới lên bịch. Nên kéo bạt lên cho thoáng mát để hạn chế hoặc tránh nước vàng do bịch thiếu oxy.

Nếu đã có một trại tốt thông thoáng bạn cũng chẳng cần phải tưới nền nhiều (xem cách xây dựng trại trồng nấm bào ngư tại đây – à mọi người cứ đọc xong hết rồi quay lại mà xem đừng để phân tâm). Bây giờ mọi người đã có thể hiểu trồng thử nghiệm trong nhà hay chuồng nuôi gia cầm… tái sử dụng sẽ khác trồng ở trại với số lượng lớn

Dàn phun sương tuy tiện lợi nhưng chưa phải là tốt nếu dùng sai cách, khi nấm đang ra nếu dùng tưới nước phun sương thì nên hạn chế từng khu vực và tưới trong thời gian ngắn khoảng 3 – 5p. (Quan trọng chúng ta cần độ ẩm không khí ở trại, nên mọi người hãy tưới sao cho hợp lý nhé)

Với bét phun dưới mặt đất nên dùng cái chụp để chắn nước không cho bắn lên trên, chỉ cho nước bắn xuống dưới nền

Lưu ý: Bịch nước vàng sẽ gây khó khăn trong việc ra nấm (ra nấm chậm nhưng nấm rất khỏe)

tác hại của nước vàng với nấm bào ngư

Ảnh hướng tới năng xuất nấmNếu trại là nền đất, mà chúng ta tưới nền nhiều quá dễ làm phát triển các loại cây cỏ dại dây leo…và các loại nấm mốc khác…làm ảnh hưởng tới quá trình trồng nấm. Nên mọi người hãy giữ nền trại sạch sẽ và khử trùng bằng vôi nếu cần thiết

2. Tưới nước sốc nhiệt lạnh chưa đúng

Để nấm ra đều mọi người phải tưới nước sốc nhiệt lạnh bịch trước ít nhất 1 ngày – 1,5 ngày (24 – 36 tiếng), tưới thời gian vào buổi tối hoặc sáng cũng có thể vào buổi trưa ngày trung bình 2 lần.

Ví dụ: Sáng hôm nay và tối hôm nay tưới nước lên bịch, sau đó sáng mai lại tưới có thêm tưới thêm buổi trưa rồi buổi chiều mở nắp, nấm sẽ ra đều và đồng loạt. Nên tưới nửa bịch tức là từ phần giữa thân bịch trở xuống đáy bịch, còn phần gần cổ có nắp chụp hạn chế tưới lên.

Không dùng phun sương để tưới nền vì bịch sẽ bị lạnh (nếu dùng cũng nên phun trong thời gian ngắn đủ để mát trại), nên khi sốc nhiệt bằng nước cũng không có tác dụng cho lắm vì bịch đã quen với biên độ nhiệt hiện tại sẽ gây khó khăn trong việc để nấm ra đúng thời điểm và đồng loạt.

Để nấm ra đồng đều hơn chúng ta tưới thật nhiều nước lên bịch càng lâu càng tốt và đều tất cả những bịch cần cho ra nấm, có thể chỉ cần tưới 1 lần trước khi mở nắp nhưng phải tưới đều và nhiều.

Thời điểm từ tháng 04/2019 ở Nam Bộ trở đi cho đến mùa mưa thời tiết cực kỳ khó chịu (nắng nóng, oi bức, khô…) nấm sẽ ra không đều nên mọi người có thể tưới nước lên bịch nhiều hơn sau khi bung nắp giúp nấm ra đều hơn

3. Tưới nấm sai kỹ thuật

Hư bịch

Khi thấy nấm bắt đầu nhú ra khỏi bịch theo bản năng nhiều người sẽ tưới nước bằng phun sương hoặc bét phun nhưng vô tình làm nước đọng lại ở cây nấm và chảy ngược vào trong bịch (tưới phun sương trong thời gian ngắn thì tốt hơn), theo thời gian sẽ làm bịch bị mốc xanh hoặc đen gây hư bịch.

Theo kinh nghiệm của Tú được biết thì nhiều người mới trồng muốn nấm ra nhanh đã dùng vòi nước tưới cây xịt thẳng vào nấm và cổ bịch, riêng ở cách này có thể làm hư cả nấm (nấm chất lượng rất thấp) đến bịch rất cao.

tưới nấm bào ngư sai cách

Lạm dụng việc tưới nước để nấm ra nhanh, gây ảnh hưởng đến bịch và chất lượng nấm

Bạn đừng ngạc nhiên nếu bạn đã từng làm vậy mà bịch vẫn không bị hư, như Tú đã nói ở trên do môi trường mới hoặc thời tiết tốt, cũng có thể do phôi bịch quá mạnh và kèm theo may mắn nữa. Nhưng khi trồng số lượng lớn như 10000 hay 50000 bịch thì bạn sẽ không được may mắn như vậy đâu.

Giảm chất lượng nấm

Đây là nguyên nhân hàng đầu làm giảm chất lượng nấm, bạn tưới nước trực tiếp quá nhiều nấm sẽ ra nhanh nhưng kèm theo là tai nấm sẽ mỏng và nềm, còn đọng rất nhiều nước làm nặng nấm như vậy sẽ khó bán được giá.

Đừng quá máy móc nhưng bạn cứ trồng cho nấm tốt đi đã, chừng nào có kinh nghiệm nhiều hãy thử thêm nhiều cách khác

II. Cách tưới nấm bào ngư đúng kỹ thuật

  1. Lấy bịch về treo đến khi rút bông đóng nắp, chỉ khi nào nóng và cần thiết mới tưới nền (chú ý là chỉ tưới nền không tưới bịch), có thể kéo bạt hoặc lưới cho mát trại (yêu cầu khâu này phải có kinh nghiệm lâu năm).
  2. Tưới sốc nhiệt lạnh những bịch cần cho ra nấm, một ngày 1 – 2 lần sáng và tối hoặc thêm buổi trưa.
  3. Sau khi mở nắp nấm bắt đầu ra, chỉ tưới nền hoặc khô thì tưới lên phía sau bịch tránh để nước tràn vào cổ bịch. (tưới lên nấm khi bạn cảm thấy cần thiết, phun sương nhẹ thời gian ngắn 3 – 5 phút hoặc tùy vào thiết kế trại)
  4. Tưới nền là việc cần làm mỗi ngày để tránh trại bị nóng và thiếu độ ẩm (có thể tưới thêm lần 2 – 3 nếu trời nóng/ khi đi vào trại bạn cảm thấy mát so với bên ngoài là ổn)

Chỉ có 4 bước đơn giản vậy thôi nhưng không phải ai cũng làm được, đa phần những người mới trồng đều làm theo cảm tính hơn là kỹ thuật.

Nếu bạn trồng ít khoảng 10.000 – 20.000 bịch, 1000 – 2000 bịch/ngày thì bạn có thể dùng bình xịt tay (bình 1 lít) để tưới lên nấm, cũng không tốn nhiều thời gian của mọi người đâu. Nấm ra vừa đẹp mà lại hạn chế hư bịch (dành cho ai có thời gian thôi nhé, chứ dùng vòi phun (béc phun, phun sương…) vẫn nhanh nhất nhưng khi tưới nên để ý cẩn thận một chút)

cách tưới nấm bào ngư

Lưu ý: phải làm đúng kỹ thuật nhưng không được quá máy móc như trời mưa lớn có độ ẩm cao thì không cần tưới nền, hay do trại chưa tốt làm bịch nóng thì nên tưới nước nhẹ lên bịch, hoặc bạn cần nấm ra nhanh có thể tưới nước nhẹ trực tiếp lên nấm nhưng tuyệt đối không nên lạm dụng nhiều.

Lời khuyên

Mọi người hãy chăm sóc kỹ cho bịch nấm thay vì chỉ chăm cho nấm, phải làm đúng kỹ thuật mới có thể trồng được số lượng lớn. Bạn nên lưu ý rằng những thiệt hại này do sự chủ quan của bản thân gây ra làm thiệt hại về kinh tế, gây mất thời gian cho chính mình.

Có nhiều bạn hỏi Tú “trồng nấm có khó không”, đọc xong bài này mọi người hãy nhìn vào hành động của mình để có thể tự trả lời được câu hỏi này rồi!

Có thể kỹ thuật của Tú chưa phải là tốt nhất, nhưng đây là những điều mà bản thân mình đã rút ra được kinh nghiệm trong quá trình nuôi trồng và cũng đã phải đi học rất nhiều người lâu năm trong nghề. Vì vậy nếu các bạn có phương pháp mới hay hơn hãy cùng Tú trao đổi tại đây để mọi người cùng theo dõi, đương nhiên bài viết này sẽ phải cập nhật thường xuyên để phù hợp với các thời điểm khác nhau.

Thời tiết ở một số vùng nam bộ, miền trung thời điểm tháng 04 – 05/2019 (hiện nay) rất nóng và khô làm ảnh hưởng đến năng xuất và chất lượng nấm nhiều nên hãy tưới nước thường xuyên để nấm phát triển tốt hơn (tưới bịch, tưới nền, tưới nấm)

Với những đợt thu nấm về sau khi bịch đã yếu + yếu tố thời tiết khô nóng có thể chúng ta phải tưới trực tiếp nước vào trong cổ bịch, lúc này bịch mới có thể ra nấm. (Những lần thu cuối, gần cuối hoặc vét chúng ta có thể làm như vậy mà không lo bị hư bịch)

Nấm phát triển tốt cần có môi trường mát mẻ, sạch sẽ, tránh gió nhưng thông thoáng và chỉ cần độ ẩm trong môi trường đạt 80 – 95%

Tùy vào yếu tố thời gian, công việc, môi trường… mọi người nên điều chỉnh cách tưới sao chọn thuận lợi phù hợp, một lần nữa khuyên mọi người đừng quá máy móc.

Đôi khi chính bản thân mình phải thử nghiệm nhiều các tưới nấm khác nhau để có thể rút được kinh nghiệm và có được nhiều kỹ năng hơn.

Bản quyền VNPT © 2024